Theo Cáo trạng số 29/CT-VKS-P2 ngày 31/8/2018 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ (VKS) về vụ án đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), tại cơ quan điều tra, ông Phan Văn Vĩnh thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet.
Trong thời gian cho phép Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao (CNC) – Công ty bình phong thuộc C50, ông Vĩnh thừa nhận được Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CNC) cho 01 chiếc áo sơ mi; 01 lọ thuốc bổ gan; hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện; 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục Cảnh sát Dương có mặt (theo Dương khai các bữa ăn có mặt đều mang rượu đến tổng giá trị khoảng hơn 10 tỷ đồng).
Ông Vĩnh không thừa nhận lời khai của Nguyễn Văn Dương đã cho 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD. Ngoài ra, Dương còn khai tặng ông Vĩnh 01 đồng hồ đeo tay trị giá 7000 USD nhưng ông Vĩnh lại khai đã trả mua đồng hồ cho Dương 1,1 tỷ đồng, sau đó đã làm mất đồng hồ.
Do có sự mâu thuẫn trong lời khai của Nguyễn Văn Dương với Phan Văn Vĩnh về việc cho, nhận tài sản, trong khi không thu được vật chứng trên nên Cơ quan An ninh điều tra tách hành vi này của Phan Văn Vĩnh ra, khi nào làm rõ được sẽ xử lý sau, còn ghi nhận lời tự thú của Nguyễn Văn Dương và xử lý ngay trong vụ án này.
Về động cơ, mục đích phạm tội, Phan Văn Vĩnh cho rằng bản thân tạo điều kiện để CNC tổ chức đánh bạc là để “tạo nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng là một chiến lược của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”.
Tuy nhiên, thực tế hơn 2 năm Công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, nhưng không một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có một khoản rất nhỏ so với tổng doanh thu (cho 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus Symantec trị giá 30.000 USD cho Cục C50).
![]() |
Bị can Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an. |
Cáo trạng của VKS nêu rõ hành vi của Phan Văn Vĩnh đã đầy đủ dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm khác tổ chức đánh bạc trái phép.
Song về chủ thể thì Phan Văn Vĩnh là người có chức vụ quyền hạn với đầy đủ công cụ, phương tiện, lực lượng được Nhà nước giao để thực hiện việc phòng ngừa, trấn áp, có ý nghĩa quyết định việc sống còn của game bài do Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm vận hành, nhưng Phan Văn Vĩnh không làm mà để tồn tại, phát triển gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.
Do vậy, hành vi của Phan Văn Vĩnh có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ, phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999. Nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị can được quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự thì hành vi của Phan Văn Vĩnh được áp dụng xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài các tình tiết quy định định khung hình phạt, bị can Phan Văn Vĩnh không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quá trình điều tra, ông Vĩnh khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội. Về lịch sử bản thân, khi còn công tác, cựu Trung tướng Vĩnh có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ An ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen; là thương binh hạng 2/4 nên được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s, v, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, mẹ bị can Phan Văn Vĩnh là người có công với Cách mạng được thưởng Huân, Huy chương nên bị cáo được hưởng thêm tình tiêt quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Theo Cáo trạng, việc Phan Văn Vĩnh cho phép thành lập Công ty CNC; đồng tình với Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng C50) ký ban hành quyết định công nhận CNC là công ty bình phong khi chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3.
Sau khi nhận báo cáo do Nguyễn Văn Dương đề xuất cho công khai việc kết nối, phục vụ game bài đánh bạc, Phan Văn Vĩnh đã bút phê: “Kính chuyển đồng chí Cục trưởng và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nghiên cứu và đề xuất”.
Căn cứ vào đó, Nguyễn Thanh Hóa đã ký, đề xuất Phan Văn Vĩnh việc cho phép triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng trò chơi trực tuyến và thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử của CNC để Phan Văn Vĩnh trình Bộ Công an.
VKS kết luận dấu hiệu đặc biệt nguy hiểm ở việc Phan Văn Vĩnh chống lưng cho Nguyễn Văn Dương và Nguyễn Thanh Hóa ở chỗ Tổng cục Cảnh sát cho Công ty CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám (Đống Đa, Hà Nội) để vận hành hệ thống đánh bạc. Không những thế, trong trụ sở của CNC còn có phòng làm việc treo biển hiệu ghi: “Bộ Công an – Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Phan Văn Vĩnh còn ký văn bản đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc. Nghiêm trọng hơn, Phan Văn Vĩnh còn bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12/10/2011 để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp và gián tiếp thừa nhận bản thân đã biết và chỉ đạo Cục C50 hợp tác với CNC ngay từ năm 2011.
Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện và yêu cầu báo cáo, Phan Van Vĩnh đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản thứ 2 sau 50 ngày, ông Vĩnh mới chỉ đạo Cục C50 tham mưu lập báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nhưng đã báo cáo không đúng sự thật.
Nguồn: infonet.vn